PjE
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mắt Biếc part 35 - 39

Go down

Mắt Biếc  part 35 - 39 Empty Mắt Biếc part 35 - 39

Bài gửi  Admin Sat Oct 27, 2012 7:12 pm

Chương 35

Chiều hôm sau, tôi lọc cọc đạp xe đến trường Hà Lan. Ðúng như tôi nghĩ, Dũng đã có mặt ở đó. Dũng đi chiếc Yamaha đỏ, diện kẻng từ đầu tới chân, mắt đeo kính râm dù trời chiều nhạt nắng. Khi tôi tới, Dũng đang ngồi trong quán nước trước cổng trường, mắt đăm đăm nhìn về bên kia con đường nên nó không trông thấy tôi.

Tôi tấp xe vào lề, ngồi nép sau một xe nước mía. Tôi muốn xem thử nó giở trò gì.

Lát sau, Hà Lan ra. Nhác thấy Dũng, Hà Lan tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó nó lại nhoẻn miệng cười. Tự dưng, tôi thấy lòng nhói buốt. Tôi tự nhủ một nụ cười thì đâu có nghĩa lý gì, nhưng ý nghĩa đó vẫn chẳng giúp tôi thanh thản chút nào.

Hà Lan không nhìn thấy tôi. Nó thong thả đạp xe đi. Dũng vội vàng phóc lên chiếc Yamaha, nổ máy rượt theo. Hà Lan đi xe đạp nên Dũng không phóng nhanh được. Nó chạy rề rề bên cạnh. Nó mưu toan chiếm chỗ của tôi.

Tôi chạy một mình phía sau, buồn thỉu buồn thiu. Trước mặt tôi là một đám nữ sinh nghịch ngợm đang chạy giăng hàng ngang giữa đường. Nhờ lẩn khuất sau những tà áo trắng, tôi không bị Hà Lan và Dũng phát hiện dù cả hai thỉnh thoảng vẫn ngoái cổ nhìn lại đằng sau.

Tôi cứ lẽo đẽo bám theo như thế, vừa đạp xe vừa tự nguyền rủa hành động lố bịch của mình. Tôi bảo tôi: đuổi theo họ làm gì, đây chỉ là trò tản tỉnh lăng nhăng của thằng Dũng, có gì phải thấp thỏm lo âu! Nghĩ vậy, nhiều lúc tôi muốn bỏ về quách. Nhưng tôi không điều khiển được tay lái của mình. Tôi vẫn lẵng nhẵng bám theo, hoang mang và buồn nản.

Tới nhà cô Hà Lan, Dũng và Hà Lan chia tay nhau. Khi Hà Lan khuất sau cánh cửa, tôi thở phào và quay xe về. Tôi đã thôi bần thần. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Và tôi tự cười thầm những ý nghĩ vớ vẫn của mình. Tôi giống như chàng trai cả ghen trong thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính thật tài. Ông biết hết ý nghĩa trong đầu tôi, và ông nói hộ :

Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi, và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Ðừng hôn dù thấy đóa hoa tươi
Ðừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Ðừng tắm chiều nay bể lắm người
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẫu chỉ qua đường khách lại qua
Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn khuất bên cô
Bằng không tôi muốn cô đừng gặp
Chàng trẻ trai nào trong giấc mơ
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Ðừng làm ẩm áo khách chưa quen
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên
Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi

Ðúng, tôi như thế đấy! Ðến bây giờ, khi tình yêu của tôi bắt đầu bị đe dọa, tôi mới nhận ra tôi đã yêu Hà Lan biết chừng nào. Tình yêu của tôi với Hà Lan hẳn đã hình thành từ những ngày thơ ấu và gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào, những kỷ niệm đã không ngừng vượt qua không gian và thời gian để lúc nào cũng cháy rực rỡ trong tôi như những ngọn nến hồng. Những kỷ niệm tươi đẹp đã nuôi dưỡng tình yêu tôi như đất đai nuôi cây trái, đợi một ngày cành biếc sẽ ra hoa. Và tôi, tôi đã đợi.

Lặng thầm, tôi đợi. Dũng thổi qua đời tôi như một cơn gió dữ. Nhưng cũng như cơn gió dữ dạo nào thổi qua làng, chỉ lay động nhưng không làm sao xô ngã cây bàng già giữa chợ Ðo Ðọ Cũng đến, rồi đi. Như nó sắp sửa đi khỏi nhà Hà Lan, chẳng được tích sự gì. Như dã tràng xe cát.

Tôi ngoảnh đầu lại, và ngạc nhiên thấy con dã tràng vẫn còn ở đó, không chịu nhúc nhích lấy một li. Dũng ngồi trên xe, chân chống đất và bình thản hút thuốc. Như thể đợi chờ ai.

Quả nhiên, một lát sau Hà Lan bước ra trong bộ váy đầm tuyệt đẹp. Tôi trông nó lạ lẫm quá chừng. Nếu bất chợt bắt gặp Hà Lan ngoài phố trong bộ cánh như thế, chắc tôi không nhận ra. Tôi đã quen nhìn thấy Hà Lan trong chiếc áo nữ sinh thướt tha và giản dị. Tôi đã quen với hình ảnh gần gũi và dịu hiền của nó từ thời hai đứa rời làng đi học ngoài phố huyện, sao bây giờ nó chẳng giống hồi xưa. Tôi nhắm mắt lại, và nghe tiếng Yamaha nổ máy. Khi mở mắt ra, tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc váy hồng thấp thoáng trên ngọn đèn lái chớp đỏ phía sau.

Tôi thẫn thờ đạp xe đi và nghe lòng quặn thắt. Trái tim tôi bỗng run lên khúc hát ngày nào:

Gửi mùa hè
Giữ hộ chút tình yêu
Khi chia xa
Vẫn nhớ ngày gặp lại
Lúc ấy
Em có là cô gái
Ðốt tôi bằng ngọn lửa
Của riêng em?

Tôi gửi tình yêu cho mùa hè, nhưng mùa hè không giữ nổi. Mùa hè chỉ biết ra hoa, phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá. Mùa hè ngây ngô, giống như tôi vậy. Nó chẳng làm được những điều tôi ký thác. Nó để Hà Lan đốt tôi, đốt rụi. Trái tim tôi cháy thành tro, rơi vãi trên đường về.

Chương 36

Khuya lắc khuya lơ, Dũng mới về nhà. Tôi quấn chăn kín người, nằm nghe nỗi buồn rứt tóc. Tiếng đẩy cửa của Dũng khiến người tôi như run lên. Trong một thoáng, tôi cảm thấy đầu mình nóng ran. Lần đầu tiên, tôi chìm vào một tâm trạng khó tả trong đó trộn lẫn lòng ghen tức, sự phẫn nộn và nỗi xót xa tê dại. Tôi không biết tôi sẽ làm gì. Tôi như một hỏa diệm sơn vừa bị đánh thức, đang nghĩ xem nên phun lửa ra đốt tan tành thế giới hay giữ lửa lại trong lòng để riêng đốt tình tôi.

Dũng tưởng tôi chẳng biết gì. Nó vào phòng bằng những bước chân nhún nhảy, rồi vừa huýt sáo miệng nó vừa nhảy nhót liên tục quanh phòng. Nó chẳng buồn che giấu niềm vui của mình. Dòm bộ tịch của Dũng, tôi đoán ngay nó và Hà Lan đã đi chơi ở đâu. Nhưng tôi chẳng thèm hỏi. Hỏi làm gì, tôi nhủ bụng, biết được chỉ buồn thêm.

Dũng tiếp tục nhảy nhót. Không hiểu vô tình hay cố ý, thỉnh thoảng nó lại chạm vào giường tôi. Tôi càng thêm bức rứt. Quên phắt những gì vừa tự nhủ, tôi liếc nó vào hỏi bằng giọng cố tỏ ra hờ hững:

- Bộ mới đi nhảy về hả?

Dũng không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nó vừa nháy mắt vừa tặc lưỡi xuýt xoa, chân vẫn không ngừng nhún nhảy:

- Một bữa tối tuyệt vời!

Tôi lặng lẽ quan sát Dũng bằng ánh mắt ác cảm. Tôi đọc được sự "tuyệt vời" nó nói trên vẻ mặt thỏa mãn của nó. Chiếm được người yêu của bạn mình, chắc nó hả dạ lắm. Ðối với con người như Dũng, hẳn đó là một thành tích. Nhưng tất cả không chỉ do Dũng, tôi cay đắng nghĩ thầm, vấn đề còn tùy thuộc ở Hà Lan. Hà Lan đã dẫm lên trái tim tôi bằng đôi guốc đinh nhọn như trong giai thoại về học sinh trường Nữ. Nó giẫm lên và không hề ngoái lại. Nó chẳng buồn biết trái tim tôi còn đập nữa hay không. Phải chăng đã đến lúc Hà Lan rời bỏ tôi như nó đã một lần rời bỏ mùa thị vàng và rừng Sim hoa tím, lòng không gợn chút bâng khuâng? Bỗng dưng tôi nhớ tới một ca khúc của Phạm Ðình Chương:

Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người?

Và tôi xoay lưng nằm úp mặt vô tường, buồn muốn khóc. Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ. Có ngôi sao nào tên gọi Hà Lan?

Chương 37

Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng đốm lửa hy vọng trong tôi chưa tắt hẳn. Nó vẫn cháy, dù là leo lét. Bản chất của tình yêu là hy vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi, người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất. Tôi cũng vậy. Tôi cố nghĩ rằng Hà Lan thích nhảy, Dũng lại nhảy giỏi, Hà Lan đi chơi với Dũng là chuyện tự nhiên. Tôi cố nghĩ rằng đi chơi với một người và yêu người đó là hai chuyện hoàn toàn khác. Và tôi thôi buồn. Tôi cấm tôi nghĩ ngợi vẩn vơ.

Hôm sau, tôi đến trường Hà Lan với nụ cười tươi tỉnh trên môi. Không thấy Dũng lảng vảng ở đó, lòng tôi nhẹ nhõm quá chừng. Nhưng rồi tôi chợt giật mình: hôm qua chắc nó đã hẹn hò với Hà Lan nên hôm nay nó không cần đón ở cổng trường. ý nghĩ đó vắt ngang đầu tôi như mây xám vắt ngang bầu trời. Niềm vui trong lòng bỗng chốc bay vèo. Và như cánh chim đại bàng trong chuyện cổ, khi bay đi nó cắp theo cả chút bình yên cuối cùng còn sót lại trong tôi.

Tôi đón Hà Lan bằng vẻ mặt hân hoan giả tạo. Hà Lan chẳng nhìn thấy gì. Nó vẫn cười với tôi bằng đôi mắt biếc. Không hiểu sao khi nhìn vào đôi mắt nó, lòng tôi bỗng thấy nhói đau.

Trong tâm trạng rối bời đó, tôi chẳng còn buồn giữ khoảng cách an toàn như trước đây nữa. Hà Lan vừa dắt xe ra khỏi cổng, tôi đã xáp lại chạy song song bên cạnh. Tôi chẳng còn sợ cô Thịnh bắt gặp. Cô gặp, kệ cô. Lúc này tôi chẳng còn sợ gì nữa. Tôi chỉ sợ mất Hà Lan.

Hà Lan trò chuyện với tôi một cách tự nhiên. Và tôi cũng làm ra vẻ như không biết gì, mặc dù điều đó đối với tôi quả thật khó khăn. Suốt trên đường về, chúng tôi chỉ nói với nhau về chuyện học tập, về kỳ thi sắp tới. Câu chuyện gượng gạo làm sao!

Ðến nhà cô Hà Lan, tôi không quay xe về như thường lệ mà nói:

- Tôi vào chơi nghen?

Hà Lan có vẻ ngạc nhiên trước thái độ khác lạ của tôi. Nó ngần ngừ:

- Lát nữa Hà Lan phải đi công chuyện...

Câu đuổi khéo của Hà Lan chẳng khác nào một nhát dao đâm vào tim tôi. Tôi đâm bướng:

- Tôi chỉ vào chơi một chút thôi!

- Một chút thôi nghen!

Hà Lan đáp, và tôi đọc được vẻ ngại ngần trong mắt nó.

Câu chuyện trong phòng khách diễn ra không khá hơn ngoài đường chút nào. Nó ngượng ngập và đứt khúc, phần lớn thời gian rơi vào sự im lặng nặng nề. Tôi ngồi như khúc gỗ và cựa mình một cách khó khăn. Hà Lan thì chốc chốc lại nhìn lên đồng hồ. Nó lộ vẻ sốt ruột và nó không giấu điều đó. Thậm chí nó còn muốn tôi biết rằng nó đang sốt ruột, nó đang vội đi và rằng nếu tôi còn chút xíu lịch sự thì tôi nên xéo ngay trước khi nó nói ra.

Tôi không đợi nó nói ra. Vì vậy, tôi đứng dậy cáo từ:

- Thôi tôi về!

Hà Lan tiễn tôi ra cửa, mặt mày tươi tỉnh:

- ừ, Ngạn về! Mai mốt ghé chơi!

Tôi phóng xe đi, không buồn ngoái lại. Mai mốt là ngày nào? Là mai, là mốt hay không ngày nào hết? Tôi rẽ ngoặt xe ở một góc phố và không biết mình đang rời bỏ một con đường hay đang rời bỏ một giấc mơ.

Tôi về đến nhà đúng lúc Dũng vừa dắt xe ra.

Chương 38

Tôi không cố tự đánh lừa mình nữa. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra và cố đón nhận nó bằng một thái độ bình tĩnh như đón nhận một vết thương của số phận. Tôi cũng tự nhủ tôi đừng trách Hà Lan. Rằng nó có quyền chọn lựa con đường của riêng nó. Rằng tôi không thể buộc nó phải gắn bó lòng mình với những kỷ niệm của một thời thơ ấu dài lâu. Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi.

Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng phải mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao.

Bây giờ thì tôi hiểu. Và cũng lại hiểu rằng, với Hà Lan bây giờ, Dũng hấp dẫn hơn tôi nhiều. So với Dũng, tôi chỉ là một thằng con trai quê mùa. Quê mùa từ lối sống, từ cách ăn mặc đến cách tỏ tình. Bây giờ chẳng còn ai tỏ tình bằng cách bõ công ngồi gảy đàn và rụt rè hát lên những lời bóng gió. Hệt như một thằng ngốc. Tôi cứ bắt chước Trương Chi, hèn gì hồn tôi chết đuối. Mà những bản tình ca cũng chẳng ra gì, ngay từ đầu Dũng đã liệt vào loại "cổ điển" vứt đi.

Tôi chẳng trách Hà Lan. Nhưng tôi không buồn gặp nó nữa. Tôi giã từ con đường chạy ngang qua trường Nữ. Chiều chiều, tôi lững thững đạp xe ra ngoại ô, ngồi một mình trên bãi cỏ chân cầu nhìn nước chảy. Và tôi ôm đàn tỉ tê cùng sông nước:

Một người bỏ một người đi
Một bài thơ dở dang vì
Lãng quên
Giữa trời
Sao mọc lênh đênh
Một đàn cá lội
Buồn tênh chân cầu
Một người
Ði mất từ lâu
Ðể người kia hát
Về đâu hỡi người
Hoa bâng khuâng
Rụng không lời
Chim bay ngơ ngác
Cuối trời hoàng hôn

Tôi ngẩng đầu lên và thấy ở cuối chân trời xa, chim bay ngơ ngác. Chúng là chim gì, chim én hay chim sẻ, mà ở đằng sau những đôi cánh thấp thoáng kia dãy ráng đỏ cứ cháy lên thảng

Chương 39

Suốt ngày suốt đêm, tôi viết nhạc. Tôi viết ngoài giấy. Tôi viết trong đầu. Nỗi khổ đau khiến tôi ngớ ngẩn. Nỗi khổ đau tuôn trào như thác, ngập lụt cả lòng tôi. Trong những ngày u ám đó, nếu không có âm nhạc, tôi đã không ngoi lên nổi, tôi đã không còn là tôi.

Âm nhạc đã dìu tôi qua đèo cao vực sâu. Bằng đôi cánh dịu dàng và bay bổng, nó đã nhấc tôi lên khỏi nỗi mê đắm xanh xao, phiền muộn. Tôi viết những bản tình ca buồn bã và rung chúng lên trên sáu dây đàn để nghe lòng vơi đi sầu nhớ. Khi nỗi đau đã thoát được ra ngoài, sức công phá mãnh liệt. Tôi ngồi giữa hoàng hôn, bên chân cầu sóng vỗ, nhắn cùng mây gió:

Ai về qua chỗ người thương
Ðứng giùm tôi
Trước cổng trường ngày xưa
Ướt giùm tôi
Chút cơn mưa
Ðể nghe trên tóc
Hương vừa bay đi...

Khi hát, tôi thấy tôi trở về. Tôi thấy tôi bồn chồn đứng trướng cổng trường Nữ, mỏi mắt tìm Hà Lan trong dòng sông áo trắng. Thấy tôi, Hà Lan mừng rỡ. Và nó trách:

- Ngạn đi đâu mà mất biệt?

Tôi cười:

- Tôi bận học.

- Xì! Hà Lan không tin.

Tôi lại cười. Tôi chẳng buồn thanh minh. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt nó, tôi biết rằng nó đã biết tất cả. Tôi rủ Hà Lan về làng, nó gật đầu ngay. Tôi thấy tôi và Hà Lan ngồi trên chiếc xe đò của ông chú nó. Xe chạy từ sáng sớm, đến chiều thì về tới phố huyện. Từ huyện, tôi và Hà Lan đạp xe về làng. Hệt như ngày xưa.

Và cũng hệt như ngày xưa, về ngang rừng Sim ven làng, chúng tôi rủ nhau ghé vào hái sim và tìm bông dủ dẻ. Tôi lại trèo lên cây trâm hái từng chùm trái tím thẫm ném xuống cho Hà Lan. Sau đó hai đứa tôi len lỏi qua mé rừng bên kia để ngồi ngắm hoàng hôn trên phiến đá năm nào. Trong giây phút êm đềm đó, tôi bỗng thấy tôi quên hết khổ đau. Tôi đã thôi buồn. Trong tôi chỉ còn lại một niềm vui rộng lớn và tinh khôi, như chưa hề vẩn đục. Hà Lan ngồi bên cạnh, co chân lên phiến đá, nom dịu dàng và dễ thương như một con mèo nhỏ. Tôi tưởng nó chưa bao giờ đặt chân ra thành phố. Nó vẫn là nó ngày nào.

Lòng tràn ngập hạnh phúc, tôi kể cho Hà Lan nghe những câu chuyện ngày xưa bà kể. Những câu chuyện tuyệt vời đã nuôi dưỡng tôi từ tấm bé. Hà Lan ngồi nghe, có chuyện biết, có chuyện chưa biết, nhưng đôi mắt nó bao giờ cũng ngẩn ngơ và say đắm.

Ðang say sưa kể chuyện "Ăn khế trả vàng", tôi chợt giật mình khi nghe tiếng còi xe quen thuộc vọng lại từ ngoài bìa rừng. Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì, Hà Lan đã nhỏm người dậy và vội vã bỏ đi. Tôi hốt hoảng gọi to nhưng Hà Lan không quay lại. Nó đi một mạch, tà áo thấp thoáng sau những bụi sim già. Khi tôi đuổi theo ra đến ven rừng thì Hà Lan đã mất hút. Tít đằng xa, chiếc Yamaha đỏ lẩn khuất sau đám bụi mờ...

Tôi chớp mắt và nhìn ra sông nước. Những hình ảnh không đâu sao cứ ám ảnh tôi hoài. Có bao giờ Hà Lan về lại rừng Sim, sao tôi cứ cực lòng mong mỏi. Cánh chim đã bay đi, ai biết buổi chim về. Ngày nào chim ăn khế ở vườn tôi, may túi ba gang, chim không hề dặn. Chim ăn khế, chim chẳng trả vàng. Chim chỉ trả buồn đau cho lòng tôi đong đầy sầu muộn. Tôi nghe sáu dây đàn cùng lúc rung lên:

Lòng tôi là cây khế
Em là chim về chơi
Vàng kia em chẳng trả
Chỉ nhả hạt xuống thôi
Hạt rớt xuống thành cây
Cây cũng toàn cây khế
Từ khi em đi rồi
Vườn tôi thành lặng lẽ
Biết bao giờ trở lại
Cánh chim em ngày nào
Lòng tôi hoa khế rụng
Xuống nỗi buồn nôn nao...

Tôi nhìn xuống bàn tay mình, xem năm đầu ngón tay có ngón nào rỏ máu. Tôi sợ tôi giống như nàng Kiều. Nhưng dòm dỏ một hồi, tôi chẳng thấy gì. Dù sao nỗi buồn của tôi cũng đã được ngân lên, đã được sẻ chia. Dù là với cỏ cây. Dù là với ngàn trùng sông nước.
Admin
Admin
Nữ Vương [Admin]
Nữ Vương [Admin]

Tổng số bài gửi : 191
Join date : 13/08/2011

https://thienphuong.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết